Liệu pháp trúng đích tiêu diệt tế bào ung thư như thế nào?

Liệu pháp trúng đích (targeted therapy, hay chính xác hơn là “liệu pháp trúng đích phân tử”, molecular targeted therapy) được sử dụng để kiểm soát sự phát triển ung thư. Chúng tác động lên một mục tiêu phân tử cụ thể bên trong hoặc trên bề mặt tế bào ung thư (gen hoặc protein). Từ đó có tác dụng giúp tiêu diệt hoặc làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư, đồng thời giảm thiểu thiệt hại cho các tế bào khỏe mạnh.

1. Liệu pháp trúng đích tiêu diệt tế bào ung thư

Hầu hết các liệu pháp trúng đích giúp điều trị ung thư bằng cách can thiệp vào các protein gây ra sự phát triển và lan rộng của các khối u. Chúng giúp điều trị ung thư theo nhiều cách khác nhau:

  • Giúp hệ thống miễn dịch tiêu diệt các tế bào ung thư: Một lý do khiến các tế bào ung thư phát triển mạnh là vì chúng có thể lẩn tránh khỏi hệ thống miễn dịch của cơ thể. Một số liệu pháp trúng đích có thể đánh dấu các tế bào ung thư để hệ thống miễn dịch dễ dàng tìm thấy và tiêu diệt chúng hơn. Các liệu pháp trúng đích khác giúp tăng cường hệ thống miễn dịch để chống lại tế bào ung thư.
  • Ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư: Các tế bào khỏe mạnh trong cơ thể chỉ phân chia để tạo ra các tế bào mới khi chúng nhận được tín hiệu để làm việc đó. Những tín hiệu này liên kết với protein trên bề mặt tế bào, nhắc các tế bào phân chia. Quá trình này giúp các tế bào mới hình thành khi cơ thể cần chúng. Nhưng, một số tế bào ung thư có những thay đổi protein trên bề mặt từ đó truyền tín hiệu cho tế bào phân chia một cách không có trật tự. Một số liệu pháp trúng đích can thiệp vào các protein này, ngăn chúng kích thích các tế bào phân chia. Quá trình này giúp làm chậm sự phát triển không kiểm soát được của tế bào ung thư.
  • Ngăn tín hiệu hình thành các mạch máu: Các khối u cần hình thành các mạch máu mới để phát triển lớn hơn. Trong một quá trình gọi là sự hình thành mạch máu, những mạch máu mới này hình thành để đáp ứng với các tín hiệu từ khối u. Thuốc ức chế sự hình thành mạch máu là một liệu pháp trúng đích được thiết kế để can thiệp vào các tín hiệu này giúp ngăn chặn sự hình thành nguồn cung cấp máu. Không có nguồn cung cấp máu, các khối u vẫn nhỏ. Hoặc, nếu khối u đã có nguồn cung cấp máu, phương pháp điều trị này có thể khiến các mạch máu chết, khối u co lại.
  • Cung cấp các chất diệt tế bào ung thư: Một số kháng thể đơn dòng được kết hợp với độc tố, thuốc hóa trị và xạ trị. Các kháng thể mang theo chất diệt tế bào này bám vào bề mặt tế bào ung thư, khiến chúng hấp thụ rồi chết đi. Các tế bào không bị tác động sẽ không bị tổn hại.
  • Gây chết tế bào ung thư: Các tế bào khỏe mạnh chết một cách có trật tự khi chúng bị hư hỏng hoặc không còn cần thiết. Nhưng, các tế bào ung thư có cách để tránh quá trình chết này. Một số liệu pháp trúng đích có thể khiến các tế bào ung thư phải trải qua quá trình chết tế bào.
  • Ngăn chặn cung cấp các hormone cần thiết cho sự phát triển của tế bào ung thư: Một số bệnh như ung thư vú và tuyến tiền liệt đòi hỏi một số hormone để phát triển. Liệu pháp hormone là một loại trị liệu trúng đích. Nó có thể hoạt động theo hai cách. Một số liệu pháp hormone ngăn cơ thể tạo ra các hormone cụ thể. Một số khác lại giúp ngăn các hormone tác động lên các tế bào, bao gồm cả các tế bào ung thư.
Liệu pháp nhắm trúng đích
Hầu hết các liệu pháp trúng đích giúp điều trị ung thư bằng cách can thiệp vào các protein gây ra sự phát triển và lan rộng của các khối u

2. Phân loại liệu pháp trúng đích

  • Liệu pháp trúng đích là nền tảng của y học hiện đại. Đây là một loại điều trị nhắm vào những thay đổi trong các tế bào ung thư giúp chúng phát triển, phân chia và lan rộng. Khi các nhà nghiên cứu tìm hiểu thêm về những thay đổi tế bào gây ung thư, họ có thể thiết kế các liệu pháp nhắm vào những thay đổi này hoặc ngăn chặn tác động của chúng. Việc nghiên cứu tìm hiểu về những thay đổi của tế bào ung thư đã giúp các nhà khoa học tìm ra nhiều liệu pháp để làm chậm sự phát triển và tiêu diệt chúng.
  • Hầu hết các liệu pháp trúng đích được điều chế và sử dụng dưới dạng thuốc phân tử nhỏ hoặc kháng thể đơn dòng.
  • Thuốc phân tử nhỏ đủ nhỏ để xâm nhập vào tế bào một cách dễ dàng, vì vậy chúng được sử dụng cho các mục tiêu nằm trong tế bào.
  • Kháng thể đơn dòng (kháng thể trị liệu) là các protein được sản xuất trong phòng thí nghiệm. Những protein này được thiết kế để gắn vào các mục tiêu cụ thể được tìm thấy trên các tế bào ung thư. Một số kháng thể đơn dòng đánh dấu các tế bào ung thư để chúng được nhìn thấy và phá hủy tốt hơn bởi hệ thống miễn dịch. Các kháng thể đơn dòng khác trực tiếp ngăn chặn các tế bào ung thư phát triển hoặc khiến chúng tự chết đi. Còn lại là những kháng thể mang độc tố đến tiêu diệt tế bào ung thư.

Liệu pháp này có nhược điểm là khó xâm nhập vào tế bào. Thay vào đó, chúng gắn vào các mục tiêu cụ thể ở bề mặt ngoài của tế bào ung thư.

3. Đối tượng được điều trị bằng liệu pháp trúng đích

Các bệnh ung thư khác nhau thì đặc điểm của tế bào ung thư cũng khác nhau. Vì vậy, tùy thuộc vào loại ung thư mắc phải và mục tiêu cần nhắm tới mà có các phương pháp điều trị khác nhau. Trước tiên, cần làm xét nghiệm kiểm tra khối u xem nó có chứa các đặc điểm đặc trưng nào có thể tiêu diệt.

Khối u sẽ được kiểm tra bằng cách sinh thiết. Sinh thiết là một thủ thuật trong đó bác sĩ lấy một phần của khối u để xét nghiệm. Có thể có một số rủi ro khi sinh thiết. Những rủi ro này khác nhau tùy thuộc vào kích thước của khối u và vị trí của nó. Trước khi quyết định sinh thiết, bác sĩ sẽ giải thích những rủi ro của việc sinh thiết cho người bệnh. Gần đây, còn có tiến bộ mới tiện lợi và ít nguy hiểm hơn sinh thiết trực tiếp khối u là sinh thiết lỏng: các đặc điểm gen hay mô học của khối u được khảo sát qua xét nghiệm từ máu hay dịch cơ thể, thay vì phải sinh thiết từ mô u.

Liệu pháp nhắm trúng đích
Tùy thuộc vào loại ung thư mắc phải và mục tiêu cần nhắm tới mà có các phương pháp điều trị khác nhau

4. Nhược điểm của liệu pháp trúng đích

Các liệu pháp trúng đích có một số nhược điểm. Bao gồm:

  • Kháng thuốc: Các tế bào ung thư có thể trở nên kháng thuốc. Vì lý do này, các liệu pháp trúng đích chỉ có thể hoạt động tốt nhất khi được sử dụng với các liệu pháp trúng đích khác hoặc kết hợp với các phương pháp điều trị ung thư khác, chẳng hạn như hóa trị và xạ trị.
  • Gây ra tác dụng phụ: Mức độ tác động của tác dụng phụ phụ thuộc vào loại điều trị và cách phản ứng của cơ thể trước phương pháp trị liệu đó.

Các tác dụng phụ phổ biến nhất bao gồm tiêu chảy và các vấn đề về gan. Các tác dụng phụ khác có thể là xảy ra các vấn đề về đông máu và chậm lành vết thương, huyết áp cao, mệt mỏi, lở miệng, thay đổi móng tay, mất màu tóc và các vấn đề về da (phát ban hoặc khô da). Ngoài ra, thủng thực quản, dạ dày, ruột non, ruột già, trực tràng hoặc túi mật,… có báo cáo, nhưng hiếm khi xảy ra.

Hầu hết các tác dụng phụ của liệu pháp trúng đích sẽ biến mất sau khi điều trị kết thúc.

5. Những thông tin cần biết về quá trình điều trị

Liệu pháp nhắm trúng đích
Thuốc phân tử nhỏ được điều chế dưới dạng viêm nang, người bệnh có thể uống hàng ngày

Các liệu pháp trúng đích thường được sử dụng là thuốc phân tử nhỏ và kháng thể đơn dòng. Thuốc phân tử nhỏ được điều chế dưới dạng viêm nang, người bệnh có thể uống hàng ngày. Trong khi đó, kháng thể đơn dòng thường được truyền qua đường tĩnh mạch. Gần đây, các thuốc kháng thể đơn dòng còn có thêm dạng tiêm dưới da, thuận lợi hơn nhiều so với dạng truyền tĩnh mạch.

Người bệnh có thể trực tiếp điều trị tại nhà hoặc điều trị ngoại trú tại bệnh viện. Điều này phụ thuộc vào loại thuốc và cách dùng thuốc.

Tần suất và thời gian nhận được liệu pháp nhắm mục tiêu phụ thuộc vào:

  • Loại ung thư và mức độ tiến triển của nó
  • Loại trị liệu trúng đích
  • Phản ứng của cơ thể với việc điều trị

Một số liệu pháp trúng đích được điều trị theo chu kỳ (có thể là 2-3 tuần vào 1 lần). Một chu kỳ là khoảng thời gian xen kẽ giữa điều trị và nghỉ ngơi. Thời gian nghỉ ngơi giúp cơ thể người bệnh có cơ hội phục hồi và xây dựng các tế bào khỏe mạnh mới.

Nguồn: vinmec.com.vn