Mẹ bầu dễ mắc những bệnh gì lúc giao mùa?

Mang thai là thời kỳ vô cùng nhạy cảm bởi sức khỏe của mẹ bầu gây ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi. Đặc biệt, thời tiết giao mùa, nóng lạnh thất thường, tạo điều kiện cho các vi khuẩn gây bệnh có cơ hội phát triển, cộng với việc khi mang thai, sức đề kháng của mẹ bầu cũng suy giảm, dẫn đến việc mẹ bầu là một trong những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh.

Nếu như mẹ bầu không có những hiểu biết và được chẩn đoán chính xác cũng như điều trị kịp thời, rất có thể mẹ và bé sẽ bị ảnh hưởng do các biến chứng của bệnh gây nên.

Cúm

Những ngày đầu thu, thời tiết se lạnh, không khí lúc ẩm, lúc hanh khô, tạo điều kiện cho các loại virus gây bệnh sinh sôi, phát triển. Nếu thấy các triệu chứng như hắt xì liên tục, chảy nước mũi, nước mắt, đau đầu, chóng mặt, 98% mẹ bầu đã bị cảm cúm.

Cúm có thể gây ra các hậu quả ảnh hưởng nghiêm trọng đến mẹ và bé như: sảy thai, thai chết lưu, sinh non hoặc dị tật bẩm sinh. Hơn nữa, cúm là căn bệnh rất dễ mắc phải, vì vậy các mẹ chú ý tiêm phòng đầy đủ khi có kế hoạch mang bầu, uống đủ 2 lít nước mỗi ngày, giữ gìn vệ sinh cá nhân. Quan trọng nhất là mẹ bầu hãy ăn uống đầy đủ, bổ sung vitamin C, vitamin nhóm B để tăng sức đề kháng nhé.

Viêm phế quản

Bệnh bao gồm 02 dạng: viêm phế quản cấp tính và mạn tính.

Đối với viêm phế quản cấp tính, mẹ bầu thường ho nhiều, có đờm kèm theo nhiễm trùng đường hô hấp trên. Nếu sức đề kháng của mẹ tốt thì sau vài ngày điều trị là mẹ sẽ khoẻ lại.

Tuy nhiên, nếu mắc viêm phế quản mạn tính lâu ngày với các triệu chứng như: ho kéo dài thành từng đợt, đau họng, đau ngực, khó thở và sốt nhẹ có thể khiến con bị suy dinh dưỡng, nhẹ cân (<2,5kg) khi sinh ra và nặng hơn nữa là dị tật bẩm sinh.

Viêm mũi dị ứng

Nếu xuất hiện các triệu chứng như hắt hơi, chảy nước mũi, ngứa mũi, ù tai,… thì mẹ bầu đã mắc viêm mũi dị ứng rồi đấy.

Và cách hữu hiệu nhất để đề phòng bệnh này là mẹ bầu nên chú ý giữ ấm cơ thể khi thời tiết thay đổi nhiệt độ đột ngột, tránh tiếp xúc với khói thuốc lá, mùi thơm lạ, long động vật, vệ sinh chăn gối, và tránh dùng các thực phẩm dễ gây dị ứng như: tôm, cua, ốc,…

Viêm họng

Có đến 70% thai phụ bị viêm họng trong 3 tháng đầu mang thai. Mẹ bầu bị đau họng luôn cảm thấy cổ họng khô rát, khó nuốt do sưng và đau, gây khó chịu trong ăn uống và sinh hoạt. Điều này khiến mẹ bầu cảm thấy mệt mỏi và khó chịu hơn.

Tuy nhiên, các mẹ cần lưu ý: Hạn chế sử dụng thuốc kháng sinh hoặc các loại thuốc khác nếu không có chỉ định của Bác sĩ nhé. Mẹ có thể áp dụng một vài mẹo như súc miệng bằng nước muối, phòng tránh bằng cách uống nước ấm,… Nếu nặng hơn, các mẹ nên đến thăm khám với Bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời nhé.

Sốt phát ban

Sốt phát ban hay còn gọi là Rubella là bệnh lành tính, đa số bệnh nhân đều điều trị khỏi và hiếm có trường hợp tử vong. Tuy nhiên, đối với phụ nữ mang thai từ 6 tháng trở xuống, sốt phát ban hoàn toàn có thể gây ra dị tật ở thai nhi như câm điếc, trí tuệ chậm phát triển hoặc trẻ sẽ bị thiếu cân khi sinh và thường mắc các bệnh về tim và phổi,…

Vì vậy, đối với mẹ bầu, việc tiêm vắc-xin trước khi mang thai từ 1-3 tháng là bắt buộc do nếu mẹ thực hiện tiêm vắc-xin đúng thời điểm thì con yêu cũng được miễn dịch thụ động do có kháng thể từ mẹ truyền sang.

Thời tiết luôn luôn ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt đối với mẹ bầu thì càng phải cẩn thận đề phòng hơn. Trong trường hợp không may mắc các bệnh trên, mẹ bầu nên đặt hẹn thăm khám với các bác sĩ chuyên khoa ngay, để được chẩn đoán và điều trị kịp thời nhé.

Nguồn tham khảo: https://www.vinmec.com/