Một loại virus Corona mới, có liên quan đến các đại dịch SARS và MERS, đã được phát hiện ở Trung Quốc và bắt đầu lây lan trên diện rộng.
Chỉ vài tuần kể từ khi căn bệnh được phát hiện lần đầu tiên ở Vũ Hán, Trung Quốc, các chuyên gia y tế trên thế giới đã và đang nỗ lực nghiên cứu trong việc chữa và điều trị. Tính đến ngày 28/01/2020, đã có 130 ca tử vong và 5,500 ca mắc bệnh**. Các trường hợp đã được phát hiện chủ yếu ở châu Á, Úc, châu Âu và Bắc Mỹ, bao gồm 5 ca ở Hoa Kỳ. Đại học Johns Hopkins có một bản đồ thời gian thực về các trường hợp đã được xác nhận dương tính.
Để có cái nhìn tổng quan nhất về căn bệnh, chúng tôi đã liên hệ với chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của đại học UC San Francisco – Tiến sĩ Bác sĩ Charles Chiu về nguồn gốc của virus Vũ Hán và các nguy cơ cho sức khỏe cộng đồng trong tương lai.
Đây là một loại virus mới. Các trường hợp ban đầu đến từ thành phố Vũ Hán có đặc điểm chung là họ đã từng đến chợ hải sản ở Vũ Hán.
Virus đã được xác định, nuôi cấy và giải trình tự gen. Hiện tại, đã có 24 bộ gen hoàn chỉnh của virus đã được công bố. Kết quả phân tích bộ gen cho thấy đây là họ hàng của coronavirus SARS và MERS cũng như các coronavirus khác đã biết trên người.
Coronavirus là một loại virus gây cảm lạnh thông thường, nhưng bệnh dễ biến chứng sang những bệnh nặng hơn như viêm phổi cấp tính, đe dọa đến tính mạng con người. Các protein dằm trên bề mặt của virus này làm cho nó trông giống như vương miện hoặc ngôi sao, nên các nhà khoa học đã lấy tên là coronavirus.
Có bảy loại coronavirus được biết là có thể lây nhiễm cho người. Sự xuất hiện của hai trong số các loại coronavirus này, SARS vào năm 2002 và MERS năm 2012, xảy ra do sự tiếp xúc giữa người với động vật mang virus, hoặc từ động vật sang động vật. Sự bùng phát của coronavirus mới từ Vũ Hán cũng có thể bắt nguồn từ các nguyên nhân trên, và nó đã được Tổ chức Y tế Thế giới đặt tên chính thức là 2019-nCoV. SARS, MERS và 2019-nCoV đều có thể lây truyền từ người sang người.
Có hai câu hỏi quan trọng cần được đặt ra trước khi tìm hiểu mức độ lây lan của virus này và mức độ nghiêm trọng của nó.
Câu hỏi đầu tiên là động vật nào là nguồn gây bệnh? Gần như tất cả các coronavirus được cho là bắt nguồn từ dơi và trình tự bộ gen của 2019-nCoV giống tới 96% với trình tự của coronavirus ở dơi. Tuy nhiên, việc lây truyền từ dơi sang người được cho là khó có khả năng xảy ra. Sự lây truyền của virus sang người thường phải qua tiếp xúc với 1 động vật mang bệnh trung gian. Trong trường hợp của SARS là cầy hương – một loài động vật giống như mèo được tiêu thụ phổ biến ở các chợ động vật ở Trung Quốc. Với MERS là lạc đà.
Nói chung, coronavirus được cho là truyền qua dịch của đường hô hấp, tiếp xúc với dịch thải bị nhiễm bệnh – người bệnh không nhất thiết phải ăn động vật bị nhiễm bệnh và động vật bị nhiễm bệnh có thể không xuất hiện triệu chứng.
Câu hỏi quan trọng khác là việc lan truyền từ người sang người có dễ không. Ví dụ, SARS lây lan từ người sang người dễ hơn MERS.
Chưa có gì chứng minh rằng 2019-nCoV có thể lây từ người sang người 1 cách dễ dàng. Một trường hợp đã được báo cáo từ Trung Quốc, nơi một bệnh nhân dường như đã truyền bệnh cho 14 nhân viên y tế tại bệnh viện, và có thể có một số bệnh nhân dễ lây nhiễm hơn những người khác. Trường hợp này chưa được xác định chính xác là do những bệnh nhân này dễ bị lây nhiễm hay loại virus này rất dễ lây lan từ người sang người.
Cho đến khi có những báo cáo xác thực, chúng tôi buộc phải đưa ra giả thuyết rằng đây là một loại virus lây lan nhanh và dễ dàng, đó là lý do tại sao hiện nay phải kiểm tra thân nhiệt bắt buộc tại các sân bay và tăng cường giám sát tại các bệnh viện địa phương tại Trung Quốc để phát hiện và kiểm soát các trường hợp nhiễm virus 2019-nCoV.
Virus này có khả năng đã bị đột biến để có thể truyền bệnh từ động vật sang người và từ người sang người. Vì đây là một loại virus RNA, nó sẽ tiếp tục biến đổi khi còn đang ở trong cơ thể người. Các đột biến xuất hiện khi virus thích nghi với vật chủ là con người có thể làm cho virus yếu đi hoặc mạnh hơn, hoặc khó lây lan hơn. Còn quá sớm để có thể nói điều gì sẽ xảy ra, đó là lý do tại sao việc giám sát liên tục bằng cách giải trình tự bộ gen virus là rất quan trọng.
2019-nCoV khác biệt hoàn toàn với các coronavirus thông thường, nên các xét nghiệm lâm sàng của coronavirus thông thường không thể phát hiện ra nó. Vì vây, các xét nghiệm chẩn đoán mới và chính xác để phát hiện virus này là rất cần thiết. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) có xét nghiệm PCR (phản ứng chuỗi polymerase) để phát hiện cụ thể loại virus này trong bốn giờ và sẽ nhanh chóng phổ biến xét nghiệm này cho nhân viên y tế cộng đồng tại địa phương.
Chỉ hai tuần trước, đã có một bài báo xuất bản trên tạp chí Nature Microbiology về kỹ thuật giải trình tự metagenomic giúp nhanh chóng xác định hầu như mọi mầm bệnh từ virus RNA, bao gồm virus Zika, virus West Nile, virus Ebola, Marburg, Lassa, sốt vàng, cúm, bất kỳ virus nào. Hiện các chuyên gia đang thêm 2019-nCoV vào danh sách các loại virus có thể phát hiện. Kỹ thuật giải trình tự metagenomic của virus rất nhanh – toàn bộ quá trình có thể được thực hiện dưới sáu giờ.
Các chuyên gia dịch tễ học đang tìm cách phối hợp với các phòng thí nghiệm y tế công cộng ở California để triển khai thử nghiệm giải trình tự metagenomic để theo dõi virus 2019-nCoV và giải trình tự bộ gen của bất kỳ trường hợp nào được xác định.
Dựa trên các báo cáo, các triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp do virus 2019-nCoV rất giống với các triệu chứng từ các coronavirus khác: nghẹt mũi, nhức đầu, ho, đau họng và sốt. Ở một số bệnh nhân, những triệu chứng này có thể biến chứng thành viêm phổi, đau thắt ngực, đau ngực và khó thở. Nếu là người già, suy giảm miễn dịch hoặc người mắc các bệnh khác như bệnh tim, bệnh gan, họ có nguy cơ mắc bệnh viêm phổi cấp tính và tử vong vì căn bệnh này.
Chưa có báo cáo xác thực về thời gian ủ bệnh của virus này, nhưng có thể nói rằng đối với coronavirus nói chung, thời gian ủ bệnh được cho là từ 2 đến 10 ngày, với thời gian trung bình là 5 ngày. Thời gian ủ bệnh ít khi kéo dài hơn 2 tuần.
Vì vậy, có vẻ như vẫn còn nhiều điều chưa biết về virus này.
Có rất ít sự đa dạng trong trình tự bộ gen. 24 bộ gen virus đã được giải trình tự, một số từ Trung Quốc, một số khác từ Nhật Bản và Thái Lan, gần như giống hệt nhau. Điều đó có nghĩa là việc lây truyền từ động vật sang người đã xảy ra rất gần đây và Trung Quốc có thể đã phát hiện ra nó rất sớm trong quá trình bùng phát dịch.
Có các trường hợp lây truyền từ người sang người được ghi nhận như các trường hợp mắc phải tại bệnh viện và bằng chứng về giai đoạn ủ bệnh, bằng chứng là nhiễm trùng thứ cấp ở các thành viên hộ gia đình không tiếp xúc trực tiếp với khu chợ mà những trường hợp ban đầu tiếp xúc. Đã có nhiều trường hợp tử vong do virus này, phần lớn ở những người đàn ông lớn tuổi có vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, nhưng cũng có một thanh niên khỏe mạnh. Vì vậy, virus 2019-nCoV là 1 loại virus đáng lo ngại.
** Theo số liệu mới nhất trên website chính thức của Bộ Y Tế Việt Nam tính đến 21h00 ngày 31/01/2020 đã có 9.958 trường hợp nhiễm virus 2019-nCoV, 213 người tử vong.
Tại Việt Nam, số người nhiễm virus 2019-nCoV là 05 trường hợp. Trong đó: 02 công dân Trung Quốc (01 người đã khỏi); 03 công dân Việt Nam đều trở về từ Vũ Hán, Trung Quốc.
Nguồn tham khảo: https://www.ucsf.edu/news/2020/01/416511/mysterious-coronavirus-spreads-infectious-disease-expert-explains-what-you