Xét nghiệm trong thời gian thai kỳ là điều cần thiết cho các mẹ bầu giúp kiểm tra và phát hiện sớm những bất thường của thai nhi để có biện pháp khắc phục kịp thời.
Siêu âm đo độ mờ da gáy là đo khoảng sáng sau gáy nhằm mục đích kiểm tra vùng da gáy của thai nhi nhằm xác định nguy cơ mắc phải hội chứng Down của thai nhi. Thời gian tốt nhất để thực hiện kiểm tra này là lúc thai nhi từ tuần 11 đến tuần 13, nếu để qua giai đoạn này kết quả sẽ không còn chính xác nữa.
Độ mờ da gáy càng cao thì tỷ lệ thai nhi có nguy cơ mắc hội chứng Down càng cao và ngược lại độ mờ da gáy càng thấp thì tỷ lệ thai nhi có nguy cơ mắc hội chứng Down càng thấp.
Xét nghiệm Double test và Triple test đều được thực hiện trong thời gian thai kỳ nhằm mục đích sàng lọc nguy cơ mắc các dị tật di truyền ở thai nhi. Double test được thực hiện trong khoảng tuần thai thứ 11 đến tuần thứ 13, tốt nhất là trong tuần thai thứ 12 đến 13. Triple test được thực hiện khi thai nhi từ 15 đến 20 tuần tuổi, trong đó thời gian làm xét nghiệm cho kết quả chính xác nhất là vào tuần thai 16 đến 18.
Lưu ý cả hai xét nghiệm Double test và Triple test đều không mang tính khẳng định mà chỉ tìm ra bất thường và chỉ rõ nguy cơ mắc dị tật là cao hay thấp.
NIPT là phương pháp xét nghiệm sàng lọc trước sinh không xâm lấn được thực hiện bằng cách lấy mẫu máu của mẹ, qua đó sàng lọc bất thường số lượng nhiễm sắc thể, các đột biến mất đoạn nhiễm sắc thể dựa vào các ADN tự do của thai nhi có trong máu của mẹ.
Xét nghiệm NIPT sàng lọc dị tật thai nhi ở giai đoạn sớm, từ tuần thứ 10 của thai kỳ và mẫu xét nghiệm chỉ cần lấy từ 7 – 10ml máu của mẹ bầu. NIPT có độ chính xác vượt trội nhờ áp dụng công nghệ giải trình tự gen thế hệ mới cho kết quả có độ tin cậy đến 99,98%.
Xét nghiệm NIPT cho phép sàng lọc để tìm ra các rối loạn của nhiễm sắc thể như thừa, thiếu, mất đoạn, chuyển đoạn gây nên các bệnh nguy hiểm đối với thai nhi.
NIPT hiện đang được Biomedic phân phối trên toàn quốc với trọn bộ thiết bị hoàn chỉnh đến từ hãng Illumina – hãng công nghệ khoa học hàng đầu của Mỹ. Với sự hỗ trợ của các chuyên gia hàng đầu cả trong và ngoài nước, Biomedic chắc chắn là đối tác tin cậy và uy tín của bạn.
Chọc ối thường được thực hiện từ tuần thai thứ 16 đến 24 của bằng cách dùng một chiếc kim mỏng, rỗng xuyên qua thành bụng của mẹ bầu đi vào buồng tử cung và thu một lượng dịch ối nhất định với sự hỗ trợ của máy siêu âm để kiểm soát được hướng đi của kim tránh làm tổn thương đến thai nhi.
Thực hiện chọc ối có thể kết luận thai nhi có hay không mắc những hội chứng dị tật bẩm sinh thường gặp như Down, Edwards, Patau và nhiều hội chứng dị tật khác với độ chính xác lên tới 99,99% để một lần nữa khẳng định lại kết quả sàng lọc của những phương pháp trước đó.
Tuy nhiên khi quyết định chọc ối mẹ bầu sẽ phải đối mặt với những nguy cơ rủi ro như: Sảy thai, lưu thai, rỉ ối, nhiễm trùng ối… Những nguy cơ này xảy ra ngẫu nhiên tùy thuộc vào cơ địa cũng như tình trạng sức khỏe của mẹ bầu.
Tiểu đường thai kỳ là tình trạng đường máu tăng cao phát hiện trong thời kỳ có thai. Trường hợp đã mắc bệnh tiểu đường từ trước khi mang thai không được xếp vào nhóm này.
Tiểu đường thai kỳ nếu không được theo dõi và điều trị sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Trẻ sinh ra từ người mẹ bị tiểu đường thai kỳ có thể bị vàng da, thừa cân, dị tật bẩm sinh, suy hô hấp sau sinh… Đối với người mẹ bị tiểu đường dễ gặp phải nguy cơ sẩy thai, sinh non, thai lưu, tiền sản giật, tăng huyết áp…
Bệnh tiểu đường thai kỳ thường không có dấu hiệu nhận biết rõ ràng, tốt nhất người mẹ nên làm xét nghiệm để theo dõi đường huyết khi mang thai ở tuần thứ 24-28.
Xét nghiệm máu là xét nghiệm bà bầu phải thực hiện trong thai kỳ theo chỉ định của bác sĩ. Các xét nghiệm máu để đảm bảo sức khỏe cho mẹ bầu và thai nhi, phát hiện sớm và điều trị kịp thời những vấn đề phát sinh trong thai kỳ.
Xét nghiệm nhóm máu để xác định mẹ bầu mang nhóm máu nào và xét nghiệm yếu tố Rh để xác định mẹ bầu mang Rh(+) hay Rh(-).
Hai xét nghiệm này vô cùng quan trọng đối với bất kỳ mẹ bầu nào, nhất là trong trường hợp cần truyền máu khi mang thai hoặc khi sinh nở để chọn nhóm máu phù hợp. Xét nghiệm yếu tố Rh để kiểm tra giữa mẹ và thai nhi có bị bất đồng Rh hay không để có biện pháp điều trị kịp thời.
Xét nghiệm công thức máu cho biết mẹ bầu có thiếu máu không, có tình trạng nhiễm trùng không, và giúp định hướng nguyên nhân nếu có bất thường xảy ra.
Sắt là thành phần không thể thiếu trong quá trình tạo máu. Trong quá trình mang thai, thiếu máu do thiếu sắt là hiện tượng phổ biến. Việc bổ sung sắt rất đơn giản, mẹ bầu có thể bổ sung sắt qua thức ăn giàu sắt hoặc qua dược phẩm.
Xoắn khuẩn giang mai có thể nhiễm vào thai nhi từ tháng thứ 5, làm ngừng sự phát triển của thai, có thể gây sinh non hoặc tử vong sau sinh. Nếu trẻ sống sót, có khả năng phát triển giang mai bẩm sinh, làm thay đổi sinh lí, thần kinh, trí lực,… mà phải sau 10 – 20 năm mới biểu hiện triệu chứng.
Đa số người trưởng thành có miễn dịch với Rubella nhờ đã tiêm chủng trước đây. Nếu mẹ bầu chưa miễn dịch, trong thai kỳ rất có thể sẽ mắc Rubella, gây ảnh hưởng tới thai nhi (dị tật thị giác, thính giác, tim,…).
Cytomegalovirus (CMV) đa phần phát hiện được nhờ xét nghiệm. Mẹ bầu nhiễm CMV có thể gây hư thai. Trẻ sơ sinh nhiễm CMV bẩm sinh có thể bị ảnh hưởng tới khả năng nghe, nhìn, cũng như bị chậm phát triển.
Tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B ở Việt Nam khá cao, do đó mẹ bầu có thể bị nhiễm virus viêm gan B mà không biết. Virus viêm gan B có thể nhiễm vào đứa trẻ, ảnh hưởng nghiêm trọng tới gan của bé.
Phụ nữ trước khi mang thai nên làm xét nghiệm HIV, nếu nhiễm HIV thì không nên có thai. Trong trường hợp đã mang thai mới biết nhiễm HIV thì không nên cho con bú để giảm nguy cơ lây nhiễm HIV cho con. Trẻ sơ sinh rất khó để khẳng định có nhiễm HIV hay không trong tuần tuổi đầu tiên. Trẻ cần xét nghiệm lại vào các thời điểm 1 tháng, 6 tháng và 18 tháng để khẳng định chính xác.
Với những thông tin trên hy vọng các mẹ bầu hiểu rõ tầm quan trọng và các xét nghiệm cần thực hiện trong thai kỳ để đảm bảo cho sức khỏe của mẹ và bé. Để có một thai kỳ an toàn, sinh nở thuận lợi, mẹ tròn con vuông mẹ bầu hãy đi khám định kỳ và thực hiện đúng chỉ dẫn của bác sĩ.